Nhằm thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương, chuyển giao công nghệ, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Hiệp hội Bao bì Việt Nam, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam chủ trì tổ chức triển lãm quốc tế Giấy và Bao bì Việt Nam- VPPE 2025. Triển lãm diễn ra từ ngày 7- 9/5 tại Trung tâm triển lãm quốc tế WTC Expo (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Nhiều công nghệ in hiện đại đã được trình diễn tại triển lãm - Ảnh: Lê Văn
Với quy mô 250 gian hàng, Triển lãm VPPE 2025 có lĩnh vực trưng bày đa dạng, với gần 500 thương hiệu đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Thụy Điển, Pháp, Hoa Kỳ…; thu hút hơn 10.000 lượt khách tham quan chuyên ngành trong 3 ngày diễn ra. Khách tham quan triển lãm đã được tìm hiểu, trải nghiệm hàng loạt sản phẩm chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại, có thể kể đến như:
Ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam chia sẻ:
“Triển lãm không chỉ là nơi cập nhật công nghệ tiên tiến từ các quốc gia có ngành công nghiệp giấy phát triển mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) nội địa tìm kiếm đối tác, đổi mới công nghệ và hướng đến các mục tiêu xanh, ứng dụng AI và chuyển đổi số.”
Tại triển lãm, các chuyên gia trong ngành giấy, bao bì dự báo: Trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu dần sôi động trở lại cùng nhu cầu thị trường lớn, ngành sản xuất bao bì công nghiệp được sẽ tăng trưởng nhảy vọt trong thời gian tới…
Theo Tổ chức tư vấn và phân tích thị trường Mordor Intelligence, quy mô thị trường bao bì công nghiệp toàn cầu ước đạt 66,27 tỷ USD vào năm 2024 và sẽ tăng lên 83,45 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,72% giai đoạn 2024 - 2029.
Những con số này cho thấy, bao bì công nghiệp là một thị trường màu mỡ, thu hút giới đầu tư và nhiều doanh nghiệp tham gia rót vốn.
Tại Việt Nam, “mảnh đất” bao bì công nghiệp còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, dư địa để phát triển còn rất lớn.
Theo thống kê, hiện mới chỉ khoảng 200 DN hoạt động trong lĩnh vực bao bì công nghiệp, quy mô thị trường xuất khẩu ước đạt 500 triệu USD/năm.
Đây là con số còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Nắm bắt nhu cầu thị trường và những lợi ích mà các FTA mang lại, một số DN Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư máy móc và công nghệ để sản xuất các loại bao bì công nghiệp chất lượng cao, đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của các thị trường lớn và khó tính.
“Chúng tôi mới đầu tư mạnh cho mảng này trong khoảng 5 năm gần đây nhưng hiện đã có lượng đơn hàng ổn định và ngày một tăng do nhu cầu thị trường lớn”, đại diện Công ty CP Nhựa bao bì An Vinh (An Vinh Packaging) cho hay.
Bà Lê Nguyễn Kiều Thúy Mơ, Giám đốc quan hệ khách hàng Công ty HP Indigo cho biết:
“Công nghệ in bảo mật cũng trở thành “lá chắn” mới trong cuộc chiến chống hàng giả- một vấn nạn nhức nhối tại thị trường châu Á. Chúng tôi tạo ra các mẫu nhãn in bảo mật mang tính cá nhân hóa cao, không chỉ bảo vệ thương hiệu mà còn truyền tải được hình ảnh và thông điệp mà khách hàng muốn gửi gắm.”
Theo bà Mơ, một sản phẩm in bảo mật hiệu quả thường được thiết kế qua phần mềm chuyên dụng, tích hợp cùng các giải pháp bảo mật tổng thể và dễ dàng truy xuất nguồn gốc, giúp DN xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam, trong năm 2024, hơn 46% DN bì ghi nhận mức tăng trưởng từ 5- 10%, nhiều đơn vị đã có lãi cho thấy nội lực ngành đang ngày càng cải thiện.
Về xuất khẩu, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6,3 tỷ USD và năm 2024 tiếp tục tăng lên hơn 7,3 tỷ USD. Điều này cho thấy tiềm năng, dư địa xuất khẩu của bao bì và nhãn hàng còn nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sang, năm 2025 sẽ đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với các chính sách thuế đối ứng từ Mỹ.
Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ khi DN thực sự mạnh từ bên trong (có năng lực công nghệ, quản trị và đổi mới sáng tạo) mới có thể chủ động thích ứng với biến động toàn cầu.
Nguồn: https://hopcungcaocap.vn/wtc-expo-trien-vong-phat-trien-nganh-cong-nghiep-giay-bao-bi/