Trong bối cảnh toàn cầu hướng đến phát triển bền vững và tiêu dùng xanh, ngành giấy và bao bì Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Không chỉ là nhu cầu từ phía người tiêu dùng, việc sản xuất thân thiện với môi trường còn là đòi hỏi từ chính sách pháp luật và áp lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Triển lãm quốc tế Giấy và Bao bì Việt Nam (VPPE 2025), diễn ra từ ngày 7–9/5 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế WTC Expo, Bình Dương. Ảnh: Lê Văn
Bao bì phức hợp – dòng sản phẩm kết hợp nhiều lớp vật liệu có khả năng phân hủy sinh học hoặc tái chế – đang dần thay thế bao bì truyền thống nhờ tính năng bảo quản vượt trội và thân thiện môi trường.
Song song đó, việc ứng dụng công nghệ mới giúp các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa quy trình và nâng cao tính linh hoạt trong sản xuất.
Triển lãm quốc tế Giấy và Bao bì Việt Nam (VPPE 2025), diễn ra từ ngày 7–9/5 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế WTC Expo (Bình Dương), quy tụ hơn 500 thương hiệu với 250 gian hàng đến từ: Việt Nam, Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Sự kiện do 3 hiệp hội lớn tổ chức, gồm: Giấy và Bột giấy Việt Nam, Bao bì Việt Nam và Quảng cáo Việt Nam. Không chỉ là nơi trưng bày công nghệ và sản phẩm mới, triển lãm còn là diễn đàn quan trọng với chuỗi hoạt động chuyên ngành như: Hội nghị toàn thể doanh nghiệp bao bì Việt Nam năm 2025, Lễ trao Giải thưởng Bao bì Việt Nam, hội thảo kỹ thuật ngành công nghiệp giấy và các buổi giao lưu giữa doanh nghiệp với sinh viên chuyên ngành.
Ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam chia sẻ:
“Triển lãm không chỉ là nơi cập nhật công nghệ tiên tiến từ các quốc gia có ngành công nghiệp giấy phát triển mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa tìm kiếm đối tác, đổi mới công nghệ và hướng đến các mục tiêu xanh, ứng dụng AI và chuyển đổi số.”
Đại diện doanh nghiệp nhận Giải thưởng Bao bì Việt Nam năm 2025. Ảnh: Lê Văn
Công nghệ in bảo mật cũng trở thành “lá chắn” mới trong cuộc chiến chống hàng giả – một vấn nạn nhức nhối tại thị trường châu Á. Bà Lê Nguyễn Kiều Thúy Mơ, Giám đốc quan hệ khách hàng Công ty HP Indigo khẳng định:
“Chúng tôi tạo ra các mẫu nhãn in bảo mật mang tính cá nhân hóa cao, không chỉ bảo vệ thương hiệu mà còn truyền tải được hình ảnh và thông điệp mà khách hàng muốn gửi gắm.”
Theo bà Mơ, một sản phẩm in bảo mật hiệu quả thường được thiết kế qua phần mềm chuyên dụng, tích hợp cùng các giải pháp bảo mật tổng thể và dễ dàng truy xuất nguồn gốc, giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam, trong năm 2024, hơn 46% doanh nghiệp bao bì ghi nhận mức tăng trưởng từ 5–10%, nhiều đơn vị đã có lãi cho thấy nội lực ngành đang ngày càng cải thiện.
Về xuất khẩu, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6,3 tỷ USD và năm 2024 tiếp tục tăng lên hơn 7,3 tỷ USD. Điều này cho thấy tiềm năng, dư địa xuất khẩu của bao bì và nhãn hàng còn nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sang, năm 2025 sẽ đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là với các chính sách thuế đối ứng từ Mỹ.
Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ khi doanh nghiệp thực sự mạnh từ bên trong (có năng lực công nghệ, quản trị và đổi mới sáng tạo) mới có thể chủ động thích ứng với biến động toàn cầu.
Trong khuôn khổ triển lãm, chiều 7/5 đã diễn ra chuỗi hoạt động phong phú như: Hội nghị toàn thể doanh nghiệp bao bì Việt Nam năm 2025, Lễ trao Giải thưởng Bao bì Việt Nam năm 2025.
Giải thưởng Bao bì Việt Nam năm 2025 nhằm tôn vinh các thiết kế nhãn hàng xuất sắc từ các công ty sản xuất, in ấn tem nhãn, bao bì. Đặc biệt biểu dương các thiết kế bao bì sáng tạo của thế hệ trẻ đam mê ngành này.
Giải thưởng có hai hạng mục chính: “Giải thưởng Bao bì Việt Nam - Nhãn hàng 2025” dành cho doanh nghiệp sản xuất nhãn hàng và “Giải thưởng Bao bì TRẺ 2025” dành cho các nhà thiết kế trẻ và sinh viên.
Năm nay, giải thưởng còn có thêm hai giải đặc biệt từ Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam.
Nguồn: https://hopcungcaocap.vn/vppe-2025-doanh-nghiep-giay-va-bao-bi-tang-toc-xanh-hoa/