Bao bì và nhãn mác sản phẩm OCOP ĐBSCL chưa theo kịp xu hướng thị trường, gây khó khăn trong việc tiếp cận người tiêu dùng. Cần nâng cấp thiết kế và chiến lược xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh.
Chiều 3/10, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL với hệ thống thương mại. Hội nghị diễn ra tại TP Rạch Giá, bao gồm cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã thảo luận về những hạn chế của sản phẩm OCOP trong vùng. Trong đó, bao bì và nhãn mác sản phẩm là một trong những yếu tố bị đánh giá chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường.
Nhiều sản phẩm vẫn giữ kiểu dáng và thiết kế đơn giản, không gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng hiện đại.
Theo một số chuyên gia, việc không đầu tư vào thiết kế bao bì khiến sản phẩm OCOP khó cạnh tranh khi đưa vào hệ thống siêu thị hay các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada.
Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, hiện ĐBSCL có gần 3.000 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, đứng thứ hai cả nước. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ và chất lượng bao bì chưa được cải thiện đang là những yếu tố kìm hãm sự phát triển của các sản phẩm này.
Báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho thấy, nhiều sản phẩm OCOP vẫn thiếu tính đột phá trong chiến lược xây dựng thương hiệu. Một số sản phẩm chưa có sự đầu tư vào việc thể hiện đặc trưng vùng miền qua bao bì và chưa có kế hoạch bài bản để tham gia các kênh tiêu thụ hiện đại.
Tại hội nghị, đại diện Siêu thị Tứ Sơn (An Giang) nhấn mạnh, để sản phẩm OCOP có thể thâm nhập sâu vào các hệ thống siêu thị lớn, việc đảm bảo chất lượng và đầu tư vào bao bì, nhãn mác là điều bắt buộc.
Đặc biệt, các sản phẩm cần phản ánh được yếu tố địa phương, như hương vị, nguyên liệu đặc trưng vùng ĐBSCL, để dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, chương trình OCOP vùng ĐBSCL đang có những bước chuyển đổi rõ nét về số lượng và chất lượng sản phẩm. Từ những thành công ban đầu, mục tiêu là tiếp tục cải tiến để sản phẩm OCOP có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Để làm được điều này, cần đầu tư mạnh hơn vào việc nâng cấp bao bì, xây dựng thương hiệu và tạo kênh kết nối chặt chẽ với các nhà phân phối, siêu thị và các sàn thương mại điện tử. Việc đổi mới tư duy trong sản xuất và phân phối sẽ là chìa khóa giúp sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường, thúc đẩy phát triển bền vững.