Bao bì, nhãn mác sản phẩm OCOP chưa bắt kịp xu thế người tiêu dùng

10 Tháng Mười 2024

ĐBSCL - Giữa chủ thể OCOP và các đơn vị thương mại, siêu thị đã có buổi trao đổi về năng lực cung cầu, kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL.

Kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP

Chiều ngày 3/10, tại TP Rạch Giá, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến nhằm kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL với hệ thống thương mại năm 2024.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn “Kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2024” được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang từ ngày 29/9 - 3/10. Với mục tiêu kết nối kinh doanh giữa các chủ thể OCOP và các hệ thống thương mại, qua đó các chủ thể OCOP nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, cải tiến sản phẩm nhằm tăng cơ hội tiêu thụ sản phẩm OCOP, cả theo phương thức truyền thống và các kên thương mại hiện đại.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT chủ trì và phát biểu tại hội nghị kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL với hệ thống thương mại năm 2024, tổ chức tại Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Ngô Trường Sơn cho biết, hiện toàn vùng ĐBSCL có gần 3.000 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, đứng thứ 2 của cả nước (sau vùng Đồng bằng Sông Hồng) khi chiếm 21,2% tổng sản phẩm OCOP của cả nước (hơn 14.000 sản phẩm). Tổng số chủ thể có sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL là 1.521.

Ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang khẳng định, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã mở ra hướng phát triển kinh tế đa dạng dựa vào lợi thế từ mỗi địa phương. Trọng tâm là phát triển sản phẩm OCOP để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng nội sinh với nguồn lực sẵn có. Chương trình đã khẳng định được vai trò của mình trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống của người dân và bảo tồn văn hóa truyền thống.

Đến nay, tỉnh Kiên Giang đang có có 269 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên, gồm có 6 sản phẩm đạt chuẩn hạng 5 sao, 36 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 227 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Trong đó, có 138 chủ thể tham gia gồm 34 chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 20 chủ thể là Hợp tác xã, 6 chủ thể là tổ hợp tác và 78 chủ thể là hộ kinh doanh. Sản phẩm OCOP không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

Khu trưng bày sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL tại Diễn đàn “Kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2024” được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang từ ngày 29/9 -3/10. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP của các chủ thể được đưa vào các hệ thống phân phối như siêu thị, cửa hàng tiện lợi và liên kết với các đại lý phân phối tại các thành phố lớn trên cả nước. Đồng thời, một số sản phẩm đã được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử như: các kênh Lazada, TikTok, Amazon, Shopee...

Theo ông Tạ Minh Sơn, Tổng Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (An Giang), để đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị thì các chủ thể cần lưu ý đảm bảo chất lượng ổn định, chú trọng bao bì nhãn mác và những yếu tố địa lý vùng miền vào sản phẩm. Các yếu tố địa lý vùng miền đã ăn sâu vào ý thức của người tiêu dùng, nên phát huy lợi phế này để phát triển sản phẩm OCOP, sẽ dễ dàng chiếm lĩnh được thị trường hơn.

Chương trình OCOP tăng cả về chất và lượng

Tại hội nghị, ngành chức năng và nhiều chủ thể có sản phẩm OCOP ở vùng ĐBSCL nhận định vẫn còn những mặt hạn chế trong quá trình thực hiện. Cụ thể như chưa tập trung xứng đáng sự quan tâm đến các sản phẩm đặc sắc chủ lực của vùng, quy mô sản xuất nhỏ, năng lực sản xuất hạn chế, tính liên kết yếu. Khâu trình bày bao bì, nhãn mác một số sản phẩm có tiến bộ nhưng còn đơn giản, đóng gói bao bì chưa bắt kịp xu thế của người tiêu dùng, tư duy về xây dựng thương hiệu còn hạn chế...

Chuỗi sự kiện của Diễn đàn “Kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2024” được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang đã tạo không gian để các chủ thể OCOP chia sẻ, giao lưu học hỏi và kết nối giao thương, tạo kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP bền vững. Ảnh: Trung Chánh.

Từ những mặt còn hạn chế trên, các chủ thể OCOP đề ra mục tiêu là cần tiếp tục nỗ lực, chuyển đổi về tiếp cận, tư duy trong sản xuất và thương mại, tiếp tục nâng cao chất lượng và năng lực để tiếp cận tốt hơn vào thị trường. Trong đó, hội nghị kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL với hệ thống thương mại được xác định có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo không gian trao đổi, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp các chủ thể OCOP nắm bắt nhu cầu, hoàn thiện sản phẩm, gia tăng cơ hội để đưa sản phẩm OCOP vào thị trường trong thời gian tới.

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam thông tin, sau 3 lần tổ chức Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL đã trở thành một “không gian” để chia sẻ, học hỏi và giao lưu không chỉ là các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể OCOP mà còn là của các doanh nghiệp thương mại, người tiêu dùng vùng ĐBSCL và một số tỉnh khác trên cả nước.

Nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã tập trung đầu tư phát triển chương trình OCOP, góp phần tạo động lực để xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trung Chánh.

Diễn đàn cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển, trưởng thành của các chủ thể, sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể vào năm 2022, khi diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên tại tỉnh Đồng Tháp, số lượng sản phẩm OCOP của vùng ĐBSCL mới đứng thứ 3 cả nước khi chiếm tỷ lệ 17,1% tổng số sản phẩm, thì hiện đã vươn lên đứng thứ 2. Bên cạnh đó, diễn đàn ngày càng có sự tham gia của nhiều địa phương hơn, trong đó năm nay có sự tham dự của 35 tỉnh, thành phố trong cả nước, trên 1.000 sản phẩm OCOP được trưng bày, nhiều sản phẩm đã “cháy hàng” ngay trong ngày đầu mở cửa đón khách tham quan, mua sắm.

Đối với chủ thể OCOP, cần chú ý áp dụng khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Cùng với đó là liên kết các đơn vị sản xuất, kinh doanh cùng ngành, cùng mặt hàng để tăng sức mạnh canh tranh, có khối lượng hàng đủ lớn, đảm bảo đáp ứng đơn hàng đều, liên tục các tháng trong năm, tránh tình trạng vào vụ thì dư thừa, hết vụ thì đứt hàng.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, chúng ta phát triển sản phẩm OCOP không đặt mục tiêu cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, mà thể hiện rõ nét văn hóa vùng miền, gắn với đời sống ở nông thôn. Chương trình OCOP là các địa phương tổ chức lại sản xuất để phát triển kinh tế nông thôn, vì ở đó đã có sẵn nguyên liệu, con người nhưng do sản xuất rời rạc, chưa phát huy được giá. Đồng thời, phát triển sản phẩm OCOP phải gắn với du lịch nông thôn, khi du khách đến với địa phương nào đó ngoài thưởng thức các sản phẩm đặc sản địa phương, còn trải nghiệm các sinh hoạt về đời sống văn hóa.

Nguồn: https://hopcungcaocap.vn/bao-bi-nhan-mac-san-pham-ocop-chua-bat-kip-xu-the-nguoi-tieu-dung/

Bình luận

Các đối tác uy tính tin cậy đã ủng hộ chúng tôi

Đối Tác Tiêu Biểu

0763 231 968
0763 221 968